Hội nghị tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại thôn Kei Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi
Xã Đắk Xú là một xã biên giới, có tổng diện tích tự nhiên là diện tích tự nhiên là 12.218,97 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 11.552,27 ha chiếm 94,55% diện tích tự nhiên, đất phi nông nghiệp là 548,95 ha chiếm 4,49 % diện tích tự nhiên, đất đồi núi chưa sử dụng là 117,75 ha chiếm 0,96% diện tích đất tự nhiên; đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài 11,5km gồm có 05 cột mốc (từ cột mốc 782 đến 786). Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 43%. Những năm qua, toàn hệ thống chính trị xã đã chung tay vào cuộc, nỗ lực để bảo vệ và phát triển rừng, giữ trọn màu xanh cho những cánh rừng nơi biên giới, nhất là chú trọng việc tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Dự Hội nghị có Đồng chí Nguyễn Ngọc Phú - Hạt trưởng kiểm lâm huyện Ngọc hồi; đồng chí Đào Tuấn - Phó Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã Đắk Xú; Đồng chí Lại Thế Điệp - Phó Chủ tịch HĐND xã; Đồng chí Ngô Tùng Khoa - Phó GĐ công ty TNHHMTV Lâm nghiệp Ngọc hồi. Cùng các đồng chí lãnh đạo UBND xã, các đơn vị ,các ban ngành xã và nhân dân thôn Kei Joi tham dự.
Công tác tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, các nghị quyết, thông tư, chỉ thị, văn bản của các ban ngành về bảo vệ rừng đến chính quyền và người dân. Để công tác quản lý và bảo vệ rừng đạt hiệu quả hơn, mỗi người dân trong địa bàn xã Đắk Xú cần phải nâng cao nhận thức của mình trong việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Người dân chính là "gốc rễ", vì vậy mỗi một người dân phải hiểu được vai trò và tầm quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Khi cải tạo lại rừng, người dân cần kiểm soát việc sử dụng lửa để tránh gây ra những vụ cháy rừng không đáng có. Vận động người dân không tự ý phá rừng, tiếp tay hay bao che cho các đối tượng khai thác rừng trái phép. Ngoài ra, chính quyền địa phương và những lực lượng có liên quan cần phải tăng cường công tác kiểm soát người ra vào rừng, thường xuyên kiểm tra, theo dõi các điểm cháy rừng để phát hiện và có những biện pháp xử lý kịp thời hơn, đặc biệt là vào thời điểm mùa hanh khô đang đến gần.
Đồng chí Đào Tuấn - Phó Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã Đắk Xú phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Đào Tuấn - Phó Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã Đắk Xú đánh giá xã Đăk Xú là một trong những địa bàn trọng điểm thường xuyên xảy ra các hành vi khai thác, vận chuyển, tàng trữ lâm sản cũng như phá rừng trái pháp luật. Tuy nhiên có thể nói từ năm 2020 đến nay công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn xã đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm, tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng và đơn vị chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đồng chí đánh giá cao công tác phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng được đồng bộ và chặt chẽ hơn. Việc theo dõi, nắm bắt thông tin và chủ động tổ chức lực lượng triệt phá các điểm nóng khai thác, vận chuyển, tàng trữ lâm sản cũng như phá rừng, lấn chiếm đất rừng được thực hiện quyết liệt. Các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng từ xã đến các thôn được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả. Kết quả đạt được là trong thời gian qua trên địa bàn xã không để xảy ra vụ vi phạm nào.
Trước những thành quả trên, Đảng ủy, chính quyền xã luôn coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng nhằm đưa những thông tin các quy định của pháp luật, các chính sách của Nhà nước để bà con được nắm rõ từ đó phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác bảo vệ rừng hiệu quả hơn.
Đồng chí Kiểm lâm phụ trách địa bàn tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng
Hoạt động tuyên truyền đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các đơn vị liên quan và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trên địa bàn xã Đắk Xú. Qua buổi tuyên truyền, đã giúp cho chính quyền địa phương và người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của rừng cũng như các chính sách, các quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; từ đó có những hành động cụ thể, thiết thực nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác rừng trái phép và thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã.