1. Địa điểm trụ sở: UBND XÃ ĐẮK XÚ

 - Địa điểm tr sở: thôn Chiên chiết, xã Đắk xú, huyện Ngọc Hồi

 - Địa chỉ Email:  ubndxadakxu@gmail.com

2. Khái quát quá trình thành lập và phát triển.

- Xã Đăk Xú là xã biên giới, có vị trí tiếp giáp, phía Đông giáp Thị trấn Plei Kần, phía Tây giáp xã Pờ Y, phía Nam giáp xã Đắk Kan, phía Bắc là khu vực biên giới giáp xã Đắk Nông. Phía Nam có QL 40 đi qua dọc tuyến đường đi qua các thôn Chiên Chiết, Đắk Tang, Xuân Tân, Ngọc Thư và Ngọc Tiền thông với Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và thị trấn Plei Kần. Phía bắc có đường NT 18 đi qua thôn Thung Nai, thông ra Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và ra thôn 7 thị trấn Plei Kần, Ngọc Hồi.  diện tích tự nhiên là 12.218,97 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 11.552,27 ha chiếm 94,55% diện tích tự nhiên, đất phi nông nghiệp là 548,95 ha chiếm 4,49 % diện tích tự nhiên, đất đồi núi chưa sử dụng là 117,75 ha chiếm 0,96% diện tích đất tự nhiên; đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài 11,5km gồm có 05 cột mốc (từ cột mốc 782 đến 786).

Xã có 11 thôn, dân số hiện nay là 1.883 hộ với 6.816 nhân khẩu; có 17 dân tộc anh em sinh sống  với nhiều phong tục tập quán khác nhau. Tổng số hộ dân tộc thiểu số 1.401 hộ với 4.944 khẩu chiếm 59,8% dân số toàn xã. Số hộ theo đạo là 459 hộ, 1.888 tín đồ, trong đó: thiên chúa giáo 1.869 tín đồ; Tin lành 04 tín đồ; Phật giáo 10 tín đồ; Cao đài 01 tín đồ; đạo khác 05 tín đồ.

Trên địa bàn có 01 thôn giáp biên giới là thôn Thung Nai, cách biên giới 09 km. Đời sống nhân dân cơ bản ổn định, phát triển kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với thế mạnh cây cà phê và cao su. Trong xã có 05 thôn có dân tộc tại chỗ (Chiên chiết, Kei Joi, Đăk Long Giao; Phia pháp; Đăk Tang); 02 thôn di dân tự do (Đăk Nông; Xuân Tân); 04 thôn kinh tế mới (Ngọc Tiền, Ngọc Thư; Thung Nai; Ngọc Yên Phúc). Hệ thống chính trị trên địa bàn không ngừng được củng cố và hoạt động hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH, phát triển kinh tế bền vững.

- Cơ cấu tổ chức, tổng số cán bộ, công chức xã: Căn cứ Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Căn cứ vào quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, xã Đắk Xú trên địa bàn tỉnh Kon Tum[1]; Quyết định 250/QĐ- UBND ngày 17/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc giao số lượng cán bộ, công chức, xã phường, xã, thị trấn theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. UBND đã bố trí đủ các chức danh và số lượng theo quy định (21 người không tính chức danh Trưởng công an chính quy). [2]

Tóm tắt chức năng nhiệm vụ

Trước hết chúng ta cần biết: Cấp xã là một đơn vị hành chính nhà nước cấp thấp nhất ở địa phương, bao gồm các tên gọi là xã, phường hoặc thị trấn. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, là cơ quan hành chính nhà nước thuộc nhánh quyền lực hành pháp tại địa phương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Giống như bất kỳ một cơ quan tổ chức nào khác, để hoạt động có hiệu quả và đạt kết quả tốt, trước hết cần phải nắm rõ chức năng nhiệm vụ của UBND cấp xã như sau:

Điều 35, Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019:

1. Chức năng của UBND cấp xã

Chức năng chính của Ủy ban nhân dân cấp xã đó là quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn xã trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng theo các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và theo sự phân công chỉ đạo thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần trong sáng, vững mạnh cho người dân.

Các chức năng cụ thể bao gồm:

- Tổ chức và hướng dẫn cho nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trên địa bàn thực hiện tốt các chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn và phát triển kinh tế địa phương, nắm bắt rõ các tâm tư, nguyện vọng của người dân để nhanh chóng giải quyết hoặc phản ánh lên cấp trên.

- Kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước tại các cơ quan, tổ chức ở địa phương

- Tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch về kinh tế xã hội và kế hoạch ngân sách xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao hằng năm. Xây dựng dự toán ngân sách năm sau trình UBND huyện phê duyệt.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã

- Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân xã quyết định các nội dung quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 33 của Luật này và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã.

- Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân xã.


[1] Quyết định 217/QĐ- UBND ngày 27/4/2021 của chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum về  phân loại đơn vị hành chính xã phường thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum thay thế Quyết định 578/QĐ- UBND ngày 22/11/2013 của chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum.

[2] Cán bộ: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy - 01 người; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân- 02 người; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân- 03 người; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam- 01 người; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh- 01 người; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam-01 người; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam-01 người; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam- 01 người. Công chức: Trưởng Công an- 01 người; Chỉ huy trưởng Quân sự - 01 người; Văn phòng – thống kê- 01 người; Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường- 02 người; Tài chính, kế toán- 01 người; Tư pháp hộ tịch- 02 người; Văn hóa – xã hội- 02 người.